Hết phập phồng vì quy hoạch “treo”

Thứ sáu - 30/11/2012 16:30

 Anh Lê Công Minh bên những trái thanh long ruột đỏ đầu tiên.

Trên 200 ha đất được quy hoạch làm Cụm công nghiệp Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) trước đây người dân vẫn làm 2 vụ lúa, 1 vụ hoa màu mỗi năm. Sau, nhiều người chuyển sang trồng nhãn, thanh long ruột đỏ. “Biết là không đúng, nhưng cứ làm liều, chứ cứ chờ quy hoạch năm này qua năm khác biết chừng nào có”- bà Nguyễn Thị Bền (63 tuổi, ấp 2, xã Bàu Đồn) đang chăm sóc vườn thanh long một năm tuổi, nói như phân trần.

Tương tự như ở Bàu Đồn, đất quy hoạch Cụm công nghiệp Bình Minh (thị xã Tây Ninh) cứ nằm phơi đấy triền miên nhiều năm dài, chẳng thấy nhà đầu tư nào rục rịch. Nhiều hộ dân thấy thế bắt đầu kéo phân tro vào tiếp tục canh tác, chăm sóc cây trồng. Những hộ trước đây không dám làm gì vì sợ quy hoạch nay cũng tham gia vào cuộc.

Việc quy hoạch treo cả một thời gian dài đã khiến nhiều người dân lo lắng, bất an. Muốn chuyển đi nơi khác làm ăn thì không thể chuyển nhượng đất, bằng muốn ở lại thì cũng không thể cất nhà. Lão nông Nguyễn Văn Nhành có 5 ha ruộng nằm trong đất quy hoạch bày tỏ: “Biết rằng Nhà nước sẽ có đền bù. Nhưng tiền đền bù chắc gì mua lại được bằng số ruộng mình đang có, mà chỗ ở mới cũng không bằng chỗ mình ở”.

Chị Trần Thị Trang đang chăm sóc vườn cao su.

Trên con đường dẫn vào khu quy hoạch Cụm công nghiệp Bình Minh một sáng giữa tháng 11, cứ vài ba phút chúng tôi lại gặp một người dân chở những bao tải chạy qua, hỏi ra mới biết người dân trong xã chở mủ cao su đi bán. Chúng tôi ghé nhà bà Trần Thị Hồng Nương- ngụ tại xã ngay lúc bà vừa chở mủ đi bán về. Bà Nương vui miệng kể lại chuyện cũ: Gia đình bà có 1 ha đất sản xuất. Mười năm trước, nhà bà chỉ trồng mì, trồng mía. Sau thấy người ta trồng cao su đem lại thu nhập cao, vợ chồng bà bắt chước làm theo. “Ai ngờ mới trồng được 1 năm thì đất vô quy hoạch, rầu muốn chết. Cả gia đình 5 người, con cái đang tuổi ăn tuổi học, chỉ sống dựa vào mẫu đất” - bà Nương nhớ lại. Tuy rầu rĩ nhưng vợ chồng bà quyết định không phá bỏ vườn cây, cứ để đấy khi nào Nhà nước thu hồi sẽ tính tiếp. Không ngờ như vậy lại may. Bà Nương cho biết trong khu quy hoạch Cụm công nghiệp Bình Minh bây giờ tất cả đều là cao su. Người nhiều nhất được 5-6 ha, người ít thì 0,5 ha - 1 ha. “Giữa năm nay, nghe Nhà nước thông báo xoá quy hoạch, bà con mừng lắm” - bà Nương phấn khởi nói.

Đến xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, chúng tôi lại gặp chị Trần Thị Trang vừa đi thăm ruộng về. Khi nghe hỏi về Cụm công nghiệp Long Chữ, chị cười tươi rói: “Nhà nước đã xoá quy hoạch rồi”. Nhà chị Trang có hơn 2,5 ha đất, trước kia chị trồng lúa, mì. Từ khi vô quy hoạch, thấy đất của mình bị bỏ không quá lâu, vợ chồng chị xót ruột quá nên cách đây 5 năm, họ quyết định… trồng lén 0,6 ha cao su. Chỉ vào hàng cao su của mình, chị Trang giải thích: “Thấy người khác trồng thì mình cũng làm theo chứ trồng xuống lại không dám bón phân, bón diêm gì. Tôi mới vô phân mùa này nữa là 3 mùa nên cây cao su không lớn như của người ta”. Đến nay, cao su của chị Trang đã cạo được hơn 1 tháng. Đi bên những luống đất còn tơi xốp giữa những hàng cao su, chị Trang cho biết mới đầu tư gần 6 triệu đồng để bón phân, cày lấp đất. “Bây giờ không còn quy hoạch nữa, mình yên tâm đầu tư mà không phải phập phồng như trước” - chị Trang cười vui vẻ.

Đưa chúng tôi đi dọc cánh đồng trước đây rơi vào quy hoạch cụm công nghiệp, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó chủ tịch UBND xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) nói: “Việc bãi bỏ quy hoạch là quyết định rất hợp với lòng dân. Vùng đất này sản xuất nông nghiệp rất thuận lợi. Đất đai bằng phẳng, có nguồn nước thuỷ lợi Dầu Tiếng, mùa mưa không lo ngập úng, nên năng suất lúa cũng như cây ăn trái, hoa màu đều cao”. Đến nay, trên diện tích 200 ha đất ở đây đã có gần 15 ha được bà con nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái như nhãn, thanh long ruột đỏ. Anh Lê Công Minh, ngụ ấp 2 vừa đầu tư 1 ha đất trồng thanh long ruột đỏ cho biết: “Đầu tư trụ, phân diêm, con giống cho 1 ha đất thanh long ruột đỏ cũng mất gần 300 triệu đồng. Chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng tính ra trồng thanh long kinh tế hơn hẳn làm lúa”.

Cánh đồng Bàu Đồn đang bước vào vụ Đông Xuân. Giờ đây, cái lo của lão nông Nguyễn Văn Nhành cũng như nhiều bà con nông dân khác không còn nữa, bà con đang hăng hái chuẩn bị cho một vụ mùa mới.

Thuỵ Mân


  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay550
  • Tháng hiện tại22,156
  • Tổng lượt truy cập2,999,231
điện thoại đường dây nóng
hộp thư điện tử
hộp thư phòng chống tham nhũng
cong khai minh bach
gop y du thao
cải cách thủ tục hành chính
hỏi đáp
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây