Đe doạ rừng văn hoá lịch sử Chàng Riệc
Theo chân người dân địa phương, chúng tôi tìm đến tận nơi được chỉ dẫn. Khu vực rừng bị phá hoại nằm cặp con đường đất đỏ. Đầu ngoài của con đường này là trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Xa Mát, còn đầu trong là trạm 2 của Đồn Biên phòng Xa Mát. Tại hiện trường, có một khu đất trống ước tính rộng khoảng 5- 7 ha. Khoảng phân nửa diện tích khu đất là cao su ai đó vừa mới trồng. Phần đất còn lại cũng vừa được cày xới lên, còn để đấy. Trong phần diện tích đất trống, chỉ còn lác đác một vài cây rừng to, đứng trơ trọi, hầu hết chúng đã bị khấc vỏ quanh phần gốc, bị đốt cháy đen nhẻm, cũng coi như đã “chết lâm sàng”, chỉ còn chờ ngày tự ngã. Điều đáng chú ý nữa là dọc theo bìa rừng- nơi tiếp giáp với phần diện tích đất trống, hàng ngàn cây rừng to, nhỏ khác lớp bị đốt cháy, lớp bị cưa, chặt, xem chừng là để mở rộng diện tích lấn chiếm.
Người dẫn đường chúng tôi cho biết: “Những năm trước, ven con đường đất đỏ này chỉ có hai khoảnh đất trống. Một khoảnh nhỏ chừng 0,2 ha và khoảnh lớn chừng 0,5 ha. Nhưng cứ mỗi năm những người canh tác trên hai phần đất trống cứ lấn rừng vài ba chục mét, dọc theo chiều dài của đất. Đến bây giờ mới thành mấy ha như vậy”.
Ngoài việc nhiều cây rừng bị đốn hạ, còn một điều khiến những ai chứng kiến ắt không khỏi lo lắng là việc phá rừng ở đây dễ gây nguy cơ hoả hoạn cho toàn bộ khu rừng văn hoá lịch sử Chàng Riệc- nơi có di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Lý do là những kẻ lấn rừng thường dùng lửa để đốt cây rừng trước, sau đó mới đốn hạ. Khi chúng tôi đến hiện trường còn thấy nhiều cây rừng, dây leo vừa mới bị đốt cháy, thân, lá của chúng còn chưa kịp rụng xuống đất. Bên cạnh đó, còn có nhiều cành khô, thân cây mì đã được chất thành đống ý chừng để chuẩn bị đốt tiếp. Tiếp giáp với những đống cây khô là khu rừng rậm rạp, nhiều tầng cây, dây leo chằng chịt với lớp thực bì dày cộp, rất dễ bén lửa. Thật nguy hiểm nếu như việc đốt rừng như thế diễn ra vào mùa nắng hạn, bởi không ai dám chắc sẽ chẳng xảy ra cháy lây lan, thiêu rụi cả rừng văn hoá lịch sử Chàng Riệc.
Ngành chức năng: Chưa đi kiểm tra
Ông Nguyễn Hoàng Sơn- Giám đốc Ban quản lý rừng văn hoá lịch sử Chàng Riệc cho biết: “Trước đây, khu rừng ở nơi đang bị lấn chiếm thuộc Tiểu khu 8 của rừng văn hoá lịch sử Chàng Riệc. Từ năm 2007, thực hiện theo Quyết định số 17 của UBND tỉnh, Ban quản lý đã tách 51 ha rừng ở khu vực đó khỏi đất lâm nghiệp để làm khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Xa Mát và giao cho UBND huyện Tân Biên quản lý”.
Chúng tôi đến UBND huyện Tân Biên, được ông Nguyễn Đắc Hùng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Năm 2007, chúng tôi có nhận bàn giao 51 ha đất rừng văn hoá lịch sử Chàng Riệc tách ra khỏi đất lâm nghiệp. Trong đó có 21 ha rừng phục hồi, 26 ha rừng IC (rừng khoanh nuôi tái sinh-NV) và 4 ha đất nông nghiệp. Sau đó, chúng tôi hợp đồng với Ban an ninh Trung ương Cục miền Nam quản lý toàn bộ phần đất ngoài lâm nghiệp này. Việc để xảy ra tình trạng chặt phá tài sản công trên phần đất ngoài lâm nghiệp này chúng tôi chưa nắm cụ thể. Sắp tới chúng tôi sẽ kết hợp với đơn vị đang hợp đồng quản lý và Hạt Kiểm lâm Tân Biên kiểm tra, xử lý”.
Về góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Tấn Đạt- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tân Biên cũng giãi bày: “Cứ sau mỗi vụ mì, một số người dân chất cây mì vào rừng rồi đốt cho chết cây rừng. Sau đó, họ chặt cây rừng rồi cày lấn vô để mở rộng diện tích trồng cây nông nghiệp. Mặc dù hiện trạng trên phần đất này còn nhiều cây to, mật độ dày đặc, tương đương với rừng của Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát, nhưng về mặt pháp lý, đất này không còn là đất rừng nữa (đất ngoài lâm nghiệp) nên không biết xử lý như thế nào? Bởi vì sau khi tách ra khỏi đất lâm nghiệp, 51 ha đất này chưa có quyết định tiếp theo của UBND tỉnh là phần đất này thuộc về loại đất gì”.
Trong khi các ngành chức năng chưa tổ chức kiểm tra, còn loay hoay tìm cơ sở pháp lý để xử lý thì những ngày qua, trên phần đất ngoài lâm nghiệp này nhiều người đã cày xới trồng thêm cao su và mì.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn