Thời gian qua, cả nước đã ghi nhận rất nhiều trường hợp thanh thiếu niên, học sinh học cách chế tạo pháo từ mạng xã hội, nguy hiểm hơn là các em còn mua vật liệu nổ về cất giấu và tự chế tạo thành pháo nổ. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ tai nạn, cháy, nổ nguy hiểm và thương tâm. Tai nạn do pháo nói chung và pháo nổ tự chế nói riêng đều rất nguy hiểm, không chỉ gây bỏng do tỏa nhiệt mà còn có sức công phá rất cao, gây nên những vết thương nghiêm trọng, nhất là các vùng đầu, mặt, cổ, bàn tay, chân và các chấn thương khác. Bên cạnh đó, đã có không ít trường hợp tàn tật và tử vong do tai nạn pháo.
Hiện nay, các vụ việc liên quan đến sử dụng pháo trái phép thường ở độ tuổi thanh thiếu niên, vì các em có tâm lý ham vui, tò mò, thích thể hiện bản thân, dễ bị lôi kéo, không lường trước được những hậu quả có thể xảy ra, chưa nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật. Điển hình là vào ngày 19/12/2024, người dân bất ngờ nghe có tiếng nổ lớn tại nhà ông B.Đ.L, sinh năm 1975, ngụ ấp Sóc Lào, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, vụ nổ khiến cửa kính và mái ngói căn nhà cấp 4 của ông L bị vỡ vụn, văng ra khắp nơi. Tại hiện trường, người dân và ông L phát hiện cháu L.B.K, sinh năm 2012 (cháu ngoại ông L) bị thương tích ở bàn tay trái (dập bàn tay trái) và xây xát ngoài da, được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện An Nhơn Tây, xung quanh hiện trường còn vương vãi nhiều vật liệu để chế tạo pháo. Qua xác minh nhanh nguyên nhân xảy ra vụ nổ xác định: cháu K lên mạng xã hội đặt mua pháo nổ (pháo banh) sau đó lấy thuốc nổ trong quả pháo ra tự chế lại thiết bị nổ vào trong ống nhựa, trong quá trình chế tạo quả pháo bị nổ gây thương tích.
Trước thực trạng trên, để chủ động ngăn ngừa tình trạng này ngay từ sớm, nhất là dịp Tết sắp đến gần, Công an tỉnh Tây Ninh khuyến nghị người dân:
- Phối hợp với nhà trường để quản lý chặt con em, không để trẻ em mua thuốc pháo trên mạng về để chế tạo pháo nổ. Thường xuyên giáo dục, định hướng con em khi tham gia mạng xã hội, kiểm soát, không để trẻ tự nghiên cứu, tìm hiểu cách thức chế tạo pháo trên mạng và học theo. Nhắc nhở, chấn chỉnh, kịp thời phát hiện, không để con em tự ý mua, bán, sử dụng, tàng trữ, vận chuyển các loại pháo, thuốc pháo để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
- Địa phương, gia đình, nhà trường cần phải tăng cường công tác tuyên truyền về những tác hại, hậu quả do pháo gây ra, nhất là những hành vi bị nghiêm cấm để giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của trẻ em. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn mua bán, tàng trữ, vận chuyển, chế tạo trái phép pháo nổ phải kịp thời báo cáo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý, hạn chế thấp nhất hậu quả do pháo gây ra.
- Tuyệt đối không sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, chế tạo, sử dụng trái phép các loại pháo, chỉ mua, sử dụng pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (theo quy định tại Điều 17, Nghị định 137/2020/NĐ-CP).
- Phải tự chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó với các sự cố cháy, nổ xảy ra.
Phòng Tham mưu Công an tỉnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn