Trong những năm qua, tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an Tây Ninh luôn miệt mài, lặng lẽ góp phần tích cực cùng với lực lượng Công an trong tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cách đây 55 năm, ngày 27.3.1957, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn lúc đó đã ký Nghị định số 530 thành lập Phòng Hồ sơ trực thuộc Văn phòng Bộ Công an, đó là mốc đánh dấu sự ra đời chính thức của một đơn vị chuyên trách đầu tiên của lực lượng Hồ sơ CAND.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, hơn lúc nào hết, công tác hồ sơ lại càng quan trọng và đòi hỏi ngày càng cao nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND trong tình hình mới.
Từ khi được thành lập vào tháng 10.1976, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an Tây Ninh luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao qua từng khâu công tác như đăng ký, cập nhật, lưu trữ, khai thác, quản lý, bảo quản hồ sơ, tài liệu và xử lý, cung cấp thông tin bảo đảm nhanh chóng, chính xác, đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ được giao, đồng thời phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Công an các cấp.
Qua 3 lần tiến hành chuyển đổi theo chế độ công tác hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát do Bộ Công an ban hành, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chế độ công tác hồ sơ và các quy định của Bộ Công an về công tác hồ sơ, tàng thư thông tin nghiệp vụ.
Đến nay, việc thực hiện chế độ công tác hồ sơ của các đơn vị nghiệp vụ và Công an cấp huyện đã dần đi vào nền nếp, phục vụ thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và quản lý Nhà nước về an ninh trật tự. Thông tin về hồ sơ, đối tượng, vụ việc... đã và đang tiếp tục được điện tử hoá để quản lý, khai thác, phục vụ kịp thời, hiệu quả các yêu cầu nghiệp vụ.
Để nâng cao hiệu quả công tác, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh đã ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào công tác hồ sơ, từ năm 1997, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ đã triển khai dự án đổi mới trang thiết bị kỹ thuật quản lý và khai thác hồ sơ nhằm nâng cao tiềm lực công nghệ thông tin trong cơ quan hồ sơ nghiệp vụ.
Thực hiện Quyết định số 597/QĐ-TTg, ngày 5.12.2006 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, ngày 14.10.2010, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh đã ký quyết định thành lập Trung tâm Thông tin tội phạm, tin học thuộc Phòng Hồ sơ, qua góp phần liên kết thông tin từ các cơ quan bảo vệ pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật, về thi hành án hình sự; tổ chức thành hệ thống thông tin phục vụ hiệu quả trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật khác nhằm củng cố hệ thống hồ sơ, tàng thư thủ công để tập trung chuyển đổi sang cơ sở dữ liệu đáp ứng mục tiêu hiện đại hoá cơ quan hồ sơ nghiệp vụ, liên kết thông tin, khai thác liên hoàn bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Ngày 3.12.2021, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 9957/QĐ-BCA về việc đổi tên Phòng Hồ sơ thành Phòng Hồ sơ nghiệp vụ. Do đặc thù công tác hồ sơ đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn tận tâm, tận tuỵ, tỉ mỉ phân loại, sắp xếp khoa học, trật tự, đáp ứng yêu cầu công tác “dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy”.
Qua đó, Phòng kịp thời đáp ứng yêu cầu tra cứu, khai thác, cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự và nhiều yêu cầu khác của lực lượng Công an và Nhân dân.
Hằng năm, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ giải quyết trên hàng trăm ngàn lượt yêu cầu cung cấp thông tin bảo đảm phục vụ nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Nhờ vậy các đơn vị đã tích cực khai thác và sử dụng triệt để thông tin, tài liệu do cơ quan hồ sơ cung cấp, góp phần quan trọng thực hiện các chiến dịch tấn công trấn áp tội phạm, công tác bảo vệ chính trị nội bộ và đặc biệt là chương trình quốc gia phòng chống tội phạm...
Nhiều chuyên án phức tạp do các đơn vị nghiệp vụ của Công an Tây Ninh điều tra, xử lý đã được lực lượng hồ sơ phục vụ cung cấp để nhanh chóng phá án và tổ chức truy bắt đối tượng, trong đó có hàng trăm ngàn đối tượng đặc biệt nguy hiểm có nhiều tiền án, tiền sự, thay đổi họ tên, khai man lý lịch, hoạt động lưu động, hàng trăm đối tượng bị truy nã bị bắt.
Trải qua 67 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, lực lượng hồ sơ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong chiến tranh cũng như trong hoà bình, đóng góp có hiệu quả vào cuộc chiến đấu của lực lượng CAND đánh bại mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù, đấu tranh phòng chống tội phạm giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Lực lượng làm công tác hồ sơ CAND nói chung và lực lượng hồ sơ Công an Tây Ninh nói riêng ngày càng chính quy, từng bước hiện đại, làm việc có kỷ cương, trách nhiệm và hiệu quả.
Từ một đội ngũ làm công tác hồ sơ trên dưới 10 người, nay đã có cả trăm cán bộ chiến sĩ làm công tác hồ sơ chuyên trách và bán chuyên trách từ tỉnh xuống huyện, thành phố, thị xã có trình độ từ đại học, trung cấp trở lên, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ chuyên môn và khoa học kỹ thuật, thực sự là lực lượng trực tiếp chiến đấu, đưa công tác hồ sơ Công an Tây Ninh đi vào nền nếp phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo Công an các cấp và các đơn vị nghiệp vụ.
Những năm qua, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an Tây Ninh đã có nhiều tập thể và cá nhân được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác.
Phát huy bản lĩnh truyền thống tốt đẹp của ngành Công an Việt Nam và của Công an Tây Ninh, trong 48 năm qua, lực lượng làm công tác hồ sơ Công an Tây Ninh đã phấn đấu không ngừng, vượt qua bao gian khổ, khó khăn, thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy, chấp hành nghiêm điều lệnh Công an Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ, xứng đáng là người chiến sĩ Công an Nhân dân Việt Nam.
Hà Thuỷ – Tấn Lực
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn