- 11/10/2021 16:00:00
- Đã xem: 175
- Phản hồi: 0
Phòng Cảnh sát giao thông Đổi mới tuyên truyền cho người dân về tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông (TNGT). Thời gian qua, bên cạnh sự quan tâm và vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự đồng tình, hưởng ứng từ cộng đồng xã hội đặc biệt là Phòng CSGT đã chủ động đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật trật tự ATGT cho người dân trên địa bàn tỉnh, qua đó bước đầu đem lại những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người tham gia giao thông.
Tây Ninh là địa bàn trung chuyển có hai tuyến Quốc lộ 22 và 22B nối liền TP. Hồ Chí Minh, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát nối với thủ đô Phnom Pênh và các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia đây là tuyến đường giao thông rất quan trọng, tạo đà phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch của tỉnh nhà. Nhiều Trạm dừng chân, quán ăn, nhà hàng được mọc lên gắn với đó là nhu cầu ăn uống, nhiều tài xế lại khó tránh khỏi được vừa ăn uống vừa nhâm nhi một vài ly rượu, bia, nhưng sau đó vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Tây Ninh, trong Quý I/2021, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản 3.892 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn (ô tô 19, mô tô 3.873); để người dân hiểu rõ tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông được Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giảm thiểu vi phạm và TNGT liên quan đến nồng độ cồn.
Ngay từ đầu năm, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, nhất là tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cũng đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, trong các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, các trường trung học phổ thông… Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn trên cơ sở, trực tiếp phân tích các hành vi vi phạm, đối tượng vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Cấp phát tờ rơi, treo khẩu hiệu, pa nô, áp phích có nội dung tuyên truyền về tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông; thông báo rộng rãi mức xử phạt người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Đặc biệt để đổi mới công tác tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông còn cử cán bộ trực tiếp đến các quán ăn, nhà hàng trên tuyến quốc lộ để tuyên truyền và dán lo go về tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; mời các chủ doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải để tuyên truyền và ký cam kết, tuyên truyền cho các lái xe vận tải, đồng thời tuyên truyền chủ kinh doanh cơ sở nhắc nhở khách hàng nếu đã uống rượu bia thì không lái xe, bên cạnh đó khi người dân đến nộp phạt vi phạm hành chính về vi phạm quy định về nồng độ cồn, CSGT cũng đã mời tuyên truyền trực tiếp. Qua đó giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Theo Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, Cán bộ Tuyên truyền, điều tra giải quyết xử lý vi phạm giao thông Phòng CSGT: Phòng CSGT tổ chức hội nghị tuyên truyền mời các HTX vận tải lên để tuyên truyền những vấn đề liên quan đến TTATGT trên địa bàn tỉnh, trong đó nội dung trọng tâm là nhắc nhở các doanh nghiệp quản lý tốt hơn về các lái xe của mình về các vấn đề sử dụng rượu bia, làm đúng quy định về giờ làm việc của lái xe trong 1 ngày; thông qua buổi tuyên truyền nhắc nhở những lái xe phải chấp hành tốt hơn các quy tắc khi tham gia giao thông, đặc biệt là trước những diễn biến phức tạp của tình hình TTATGT các phương tiện nhiều, số lượng hàng hóa, hành khách lưu thông trên tuyến rất đông cần phải đảm bảo điều kiện của lái xe cũng như tất cả hành khách khi tham gia giao thông.
Ông Lê Văn Đồng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ vận tải Đồng Tâm cho biết: Để đảm bảo ATGT trên tuyến cũng như cho xã hội, HTX thường xuyên quán triệt lái xe không được uống rượu bia, thực hiện nghiêm túc Nghị định 100 của Chính phủ; HTX thường xuyên mời lái xe lên để tuyên truyền thực hiện tốt; trước khi xuất bến về vấn đề đăng kí đăng kiểm, lái xe phải có GPLX phù hợp với loại xe được lái, cũng như vấn đề về đèn, còi, lốp, tất cả an toàn mới được xuất bến.
Hay như, sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 38 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Cảnh sát giao thông đã mời 38 trường hợp này lại để tuyên truyền về các quy định, quy tắc khi tham gia giao thông, các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt là hậu quả của việc sử dụng rượu, bia trong quá trình tham gia giao thông,… Qua đó, giúp mọi người hiểu thêm những nội dung, quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; trong đó đặc là mối nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia.
Anh Lê Đức B, ngụ ấp Kinh Tế, xã Bình Minh, Tp Tây Ninh cho biết: được lực lượng CSGT tuyên truyền làm cho bản thân và người dân có ý thức hơn, không nên điều khiển xe khi đã uống rượu bia vì nó rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn cho người khác và bản thân làm tật nguyền suốt cuộc đời. Mong rằng CSGT tiếp tục tuyên truyền cho mọi người hiểu, nếu đã nhậu rồi thì ngủ lại, không thì đừng nên nhậu ly nào hết gây ảnh hưởng cho người tham gia giao thông trên đường.
Trong thời gian tới nhằm tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tập trung tuyên truyền cho người dân biết các quy định của pháp luật; tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến, địa bàn phức tạp về trật tự ATGT tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT như: sử dụng rượu bia, chạy xe quá tốc độ, chuyển hướng không quan sát; thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe trái phép. Công an các đơn vị tăng cường phương thức tuần tra cơ động, chú trọng kiểm tra đối tượng lái xe khách, xe mô tô là thanh, thiếu niên; làm tốt công tác nắm tình hình, địa điểm, thời gian người điều khiển phương tiện thường sử dụng rượu, bia, thanh thiếu niên tụ tập ăn, uống đêm khuya… để phối hợp với công an, chính quyền cơ sở có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, thì bản thân mỗi người dân khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia. Cùng đó, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về vi phạm nồng độ cồn để từ đó từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu, bia không lái xe”… Qua đó, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.