Cảnh sát giao thông hướng dẫn người dân mặc áo phao đúng cách.
Thiếu tá Trần Quốc Nhân- Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đơn vị quan tâm thực hiện. Từ những ngày đầu năm, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo cho lực lượng Cảnh sát giao thông tập trung đổi mới hình thức tuyên truyền cho người tham gia giao thông đường bộ và đường thuỷ. Ngoài việc tuyên truyền trực tiếp, lực lượng chức năng còn phổ biến các thông tin cần thiết cho người dân thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo; vận động chủ các bến thuỷ nội địa ký cam kết thực hiện trách nhiệm trong quản lý bến thuỷ nội địa.
Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật cho người dân sinh sống ven sông trên địa bàn xã Hiệp Thạnh (huyện Gò Dầu). Tại buổi tuyên truyền, cán bộ Công an thông tin cho bà con về tình hình tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Theo đó, trong 9 tháng năm 2022, xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông trên đường bộ, làm chết 22 người, bị thương 36 người. Đường thuỷ không xảy ra tai nạn giao thông.
Công an tuyên truyền cho người dân biết thêm về các hành vi vi phạm phổ biến trên đường bộ và đường thuỷ; một số quy định của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật của cơ quan chức năng quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn...
Ông Nguyễn Văn Thạch, ngụ ấp Giữa, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu thường xuyên di chuyển trên sông bằng ghe. Ông Thạch nói: “Gia đình sinh sống bằng nghề nông, ruộng nằm khá xa nhà phải đi bằng ghe. Nhiều lúc tôi cũng lo lắng khi phải di chuyển thường xuyên trên sông nhưng đi riết lại quen. Có dịp nghe cán bộ tuyên truyền về những vấn đề có thể phát sinh trên sông nước, tôi mới nhận thức rõ về sự chủ quan của mình trong suốt thời gian qua”.
Hơn 60 người dân sinh sống ven sông có mặt tại buổi tuyên truyền còn được tặng áo phao cứu sinh và nghe Đại uý Nguyễn Hoàng Thanh- cán bộ Đội Cảnh sát đường thuỷ, Phòng Cảnh sát giao thông hướng dẫn cách sử dụng áo phao đúng cách, bảo đảm an toàn tính mạng khi lưu thông trên sông. Hiện nay, có rất nhiều trường hợp không biết sử dụng áo phao cứu sinh hoặc sử dụng không đúng cách. Ngoài việc kiểm tra tổng thể, mặc áo phao và điều chỉnh các dây đai sát vào cơ thể, mọi người cần vòng dây qua hai chân, ấn khoá ở phần dưới áo phao- bước này thường bị nhiều người bỏ qua. Trong trường hợp người dân không cố định dây dưới đùi, áo phao khi gặp nước sẽ bị giật ngược lên trên, gây cản trở hoạt động.
Ông Huỳnh Công Lý, ngụ huyện Gò Dầu cho biết: “Mỗi ngày, tôi đều đi ghe ra thăm ruộng, lưu thông trên tuyến sông khá nhiều. Bà con mình xưa nay cứ xuống ghe là chạy, thường không quan tâm đến việc mặc áo phao. Người biết bơi còn đỡ, người không biết bơi thì nguy hiểm vô cùng. Khi xảy ra sự cố bất ngờ, việc mặc áo phao đúng cách sẽ phần nào bảo đảm an toàn cho bản thân”.
Trung tá Văn Minh Thắng- Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thuỷ, Phòng Cảnh sát giao thông cho biết: “Thực hiện kế hoạch bảo đảm TTATGT đường thuỷ nội địa năm 2022 và công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên tuyến đường thuỷ, Đội Cảnh sát đường thuỷ tổ chức tuyên truyền đến người dân, tập trung vào các đối tượng thường xuyên tham gia giao thông trên tuyến sông, nội dung phù hợp với từng đối tượng. Ngoài ra, Cảnh sát đường thuỷ cũng tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm hoạt động trên tuyến sông để người dân nắm, kịp thời phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng”.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng thường xuyên triển khai kế hoạch, tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý chuyên đề theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó chú ý lỗi chở hàng quá vạch mớn nước an toàn đối với các phương tiện vận tải hàng hoá; trang bị phao cứu sinh đối với người đi trên phương tiện thuỷ. Tập trung bố trí lực lượng vào giờ cao điểm có nhiều phương tiện tham gia giao thông để kiểm soát, kiểm tra và xử lý.
Trong 9 tháng, Đội Cảnh sát đường thuỷ tổ chức nhiều ca tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý 50 trường hợp vi phạm với các lỗi như quá vạch dấu mớn nước an toàn, không giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, không trang bị dụng cụ cứu sinh, giao phương tiện cho người không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn lái phương tiện…
Trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, trong năm qua, Cảnh sát đường thuỷ tham mưu xây dựng 3 kế hoạch, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm. Trong đó, bắt giữ 1 vụ vận chuyển 1.000 bao thuốc lá nhập lậu, 2 vụ sử dụng ngư cụ cấm để khai thác đánh bắt thuỷ sản trái phép trên sông và 1 vụ khai thác cát trái phép.
Theo cán bộ Đội Cảnh sát đường thuỷ, vào lúc 2 giờ ngày 3.9, tại tuyến sông Sài Gòn thuộc khu vực ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, tổ công tác phối hợp với lực lượng khác kiểm tra phương tiện (ghe gỗ) đang hoạt động khai thác cát trái phép. Qua kiểm tra, lực lượng phát hiện phương tiện đang hoạt động bơm, hút cát trên sông, số lượng cát đã bơm được trên 20m3; kiểm tra thực tế phương tiện không xuất trình giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Lực lượng chức năng tạm giữ 2 đối tượng, các đối tượng khác sau khi phát hiện đã bỏ trốn.
Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thuỷ cho biết: “Hiện nay, mực nước sông đã dâng cao, lực lượng sẽ tập trung tuyên truyền, trong đó thường xuyên phổ biến về việc sử dụng phao cứu sinh để phòng ngừa đuối nước trên sông. Vào thời điểm cuối năm, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển thuốc lá, pháo thường lợi dụng tuyến sông để hoạt động, cán bộ, chiến sĩ sẽ nỗ lực tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm”.
Với nhiều giải pháp đã và đang được lực lượng chức năng chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt, tin tưởng rằng tình hình TTATGT trên đường thuỷ nội địa sẽ tiếp tục được bảo đảm an toàn, thông suốt.
Chính phủ ban hành Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa, có sự điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm. Cụ thể, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè không bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định (khoản 1, Điều 15). Phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân theo quy định, mức phạt tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân (khoản 1, Điều 16); hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện cũng bị phạt từ 1-2 triệu đồng (Điều 34). Ngoài ra, mức phạt cao nhất đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn lên đến 35 triệu đồng (Điều 21).
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn